LuatVietnam

Có được sa thải nhân viên vì từ chối đi công tác xa?

Cập nhật 11/11/2022 | Đăng tải: LVN.5582

hoi Như Tấn
Tôi là cha đơn thân, nuôi mẹ 72 tuổi và con 10 tuổi, sống tại TP HCM. Tôi có trình bày gia cảnh với Tổng giám đốc để được ưu tiên không công tác xa nhà.
Nay lấy lý do khó khăn kinh tế, công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với tôi, từ 1/11/2022. Tôi không đồng ý vì từ khi thông báo đến khi nghỉ chỉ 5 ngày, thời gian ngắn hạn quá trong khi hợp đồng của tôi là không xác định thời hạn.
Do đó, 3 ngày sau tôi nhận được một thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, sửa ngày nghỉ chính thức thành 15/12/2022.
Hôm 1/11/2022, Tổng giám đốc ra công văn quyết định phân công công tác xa ở Lào Cai mà chưa hỏi tôi có đồng ý hay không.
Vì gia cảnh, tôi không muốn đi công tác nhưng lại sợ vi phạm nội quy, hợp đồng lao động và họ sẽ lấy cớ đuổi tôi trước thời hạn trên.
Xin hỏi, nếu tôi từ chối quyết định đi công tác, công ty có thể sa thải trước hạn đã nêu không? Tôi có phải chịu phạt gì không và nên làm gì?

luat Luật sư Bùi Thị Ngọc Huyền (Công ty luật FANCI, Hà Nội):

Thứ nhất, công ty áp dụng hình thức sa thải anh Tấn

Điều 125 Bộ luật lao động 2012 quy định, người sử dụng lao động được áp dụng hình thức sa thải khi người lao động mắc một trong 4 vi phạm sau:

1. Trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

2. Tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động; quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

3. Bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật.

4. Tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 30 ngày; hoặc 20 ngày cộng dồn trong 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng. Lý do chính đáng gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Căn cứ Khoản 4 nêu trên, nếu anh Tấn không đi công tác theo yêu cầu của công ty, có thể được coi là tự ý bỏ việc. Nếu anh nghỉ không lý do chính đáng quá thời gian quy định trên, công ty anh Tấn có quyền áp dụng hình thức kỷ luật sa thải với anh. Việc có con nhỏ, mẹ già không được coi là lý do chính đáng.

Thứ hai, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh Tấn

Điều 36 Bộ luật lao động quy định, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc (theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động).

Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Ngoài ra, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn".

Đối chiếu quy định trên, nếu việc không đi công tác xa khiến anh Tấn bị công ty đánh giá là biểu hiện của việc không hoàn thành công việc, công ty anh có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, song vẫn phải báo trước cho anh ít nhất 45 ngày.

Để tránh hai nguy cơ trên, anh Tấn có thể làm đơn đề nghị điều chuyển vị trí công tác sang một vị trí phù hợp hơn. Hoặc anh Tấn có thể trình bày hoàn cảnh để Ban lãnh đạo công ty biết và đồng ý không cử anh đi công tác xa nhà. Song việc đồng ý này phải thực hiện bằng văn bản hoặc sửa đổi trực tiếp trên hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi của anh.

Nguồn: VNExpress
Xem thêm