1/ Về mã HS:
- Căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
- Do công ty không cung cấp chi tiết, hình ảnh của hàng hóa nhập khẩu nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nêu trên.
- Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Căn cứ vào thực tế tính chất, thành phần cấu tạo,… của hàng hóa nhập khẩu và áp dụng sáu (6) quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 27/06/2017 để xác định mã HS chi tiết phù hợp với thực tế.
- Căn cứ Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
- Căn cứ Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát Hải quan:
“Điều 24. Thủ tục xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan
…2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan:
a) Nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đến Tổng cục Hải quan;….”
Như vậy, để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính và Khoản 3 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 04 năm 2018.
2/ Về thủ tục nhập khẩu:
- Căn cứ theo QCVN 16:2017/BXD-QUY CHUẪN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ SẢN PHẪM, HÀNG HÓA VẬT LIỆU XÂY DỰNG ban hành kèm Thông tư 10/2017/TT-BXD ngày 29 tháng 9 năm 2017. Theo đó chỉ “Sản phẩm hợp kim nhôm dạng profile dùng để chế tạo cửa sổ và cửa đi” tại mục 8 phần VI mới thuộc danh mục “vật liệu xây dựng” phải chứng nhận hợp quy.
- Thủ tục và hồ sơ hải quan khi nhập khẩu được thực hiện theo Điều 16, Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính và khoản 5, 6, 7 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 04 năm 2018.
Đề nghị công ty tham khảo nội dung quy định trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan nơi dự kiến đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.