Tại Khoản 2 Điều 45 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định người bị bệnh nghề nghiệp điều trị xong, ra viện trước ngày 1/7/2016 thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chế độ bệnh nghề nghiệp ban hành trước ngày 1/1/2016.
Tại Khoản 4 Điều 28 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định người lao động đủ điều kiện và hưởng các chế độ BHXH trước ngày 1/1/2016 thì vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2016.
Tại Điểm d Khoản 1 Điều 18 Luật BHXH số 71/2006/QH11 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ để người lao động được hưởng BHXH.
Tại Mục 4.1 Khoản 4 Phần III Quyết định số 222/QĐ-BHXH ngày 25/2/2021 của BHXH Việt Nam về việc công bố thủ tục hành chính được thay thế, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam quy định: Người lao động chuyển sang đơn vị sử dụng lao động khác bị mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian bảo đảm lập hồ sơ theo quy định tại Điểm 1, 3, 5, 6 Mục 4.3 (Thành phần hồ sơ) nộp cho đơn vị sử dụng lao động.
Điều này có nghĩa là đối với người lao động đã chuyển sang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động khác nhưng phát hiện bị mắc bệnh nghề nghiệp (phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian làm việc ở đơn vị mới) trong thời gian bảo đảm thì nộp hồ sơ giải quyết bệnh nghề nghiệp cho đơn vị sử dụng lao động đang làm việc.
Đối chiếu với các quy định trên, bà Đỗ Thị Xuân Tươi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm – Quảng Ngãi từ tháng 9/2014 đến nay. Bà Tươi mắc bệnh nghề nghiệp và đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông giới thiệu ra Hội đồng Giám định y khoa tháng 4/2013.
Như vậy, bà đã mắc bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông nên bà nộp hồ sơ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông để chuyển đến BHXH tỉnh Đắk Nông giải quyết theo quy định. Sau đó, bà đề nghị chuyển hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp về BHXH tỉnh Quảng Ngãi chi trả.